Xuất khảu hàng hóa của Việt Nam sang Anh luôn tăng trưởng qua các thời kỳ, trong 7 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu sang thị trường Anh đạt 2,79 tỷ USD, tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Điện thoại các loại và linh kiện là nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Anh, chiếm tới 38,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này, đạt 1,07 tỷ USD, tăng 12,38% so với cùng kỳ. Đứng sau nhóm hàng chủ đạo trên, là một số nhóm cũng đạt kim ngạch lớn trên 100 triệu USD như: hàng dệt may (đạt 404 triệu USD, chiếm 14,5%, tăng 1,2%); giày dép (đạt 368,4 triệu USD, chiếm 13%, giảm 7,5%); gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 184,1 triệu USD, chiếm 6,6%, tăng 11,6%); máy vi tính, điện tử (đạt 164,6 triệu USD, chiếm 5,9%, tăng 38,6%); thủy sản (đạt 105,1 triệu USD, chiếm 3,8%, tăng 2%).  

Đáng chú ý, một số nhóm hàng có tốc độ xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ gồm có: Kim loại thường tăng 141,7%, đạt 9,78 triệu USD; rau quả tăng 65,9%, đạt 6,3 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 38,6%, đạt 164,6 triệu USD. Tuy nhiên, xuất khẩu nhóm hàng dây điện, cáp điện và nhóm sắt thép sang thị trường này lại sụt giảm mạnh, với mức giảm tương ứng 45,35% và 56,4% so với cùng kỳ. 

Theo Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh đánh giá: Anh là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong EU. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã có những tăng trưởng không ngừng trong các năm vừa qua. Hơn nữa, sự khác biệt về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu giữa Việt Nam và Anh đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Anh nhất là đối với sản phẩm tiêu dùng, bởi hầu hết các công ty Anh đều tập trung vào những sản phẩm công nghệ cao, y tế, dược phẩm, máy móc thiết bị… hơn là sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu. Vì vậy, Anh có nhu cầu lớn về những mặt hàng mà Việt Nam có ưu thế bao gồm nông lâm thủy sản, dệt may, da giày và các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác được hết điều kiện này. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ những nhu cầu trên của thị trường Anh.

Một nguyên nhân nữa mà hàng hóa Việt Nam vẫn còn rất hiếm tại Vương quốc Anh là do khâu quảng bá thương hiệu vẫn còn mờ nhạt. Mặc dù câu chuyện xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp không phải là vấn đề mới, thế nhưng người tiêu dùng tại Anh cũng chỉ biết tới thương hiệu Vietnam Airline, Bia Saigon, Buffalo tour; trong khi rất nhiều thương hiệu khác chất lượng rất tốt nhưng do khâu quảng bá quá yếu, nên đã bị đánh bật khỏi thị trường này.

Để đưa thương hiệu thâm nhập vào thị trường Vương quốc Anh, ông Saby Mishra, CEO J.Water Thompson Việt Nam chia sẻ: Mặc dù Anh được xem là nước có nền kinh tế mở, ủng hộ thương mại tự do toàn cầu, nhưng hàng xuất khẩu vào thị trường Anh lại chịu sự kiểm soát khá gắt gao về các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm… mà những “rào cản” này thường được áp dụng theo tiêu chí mới nhất của châu Âu và thông thường đó cũng là những tiêu chuẩn cao nhất đang được quốc tế áp dụng. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập thị trường Anh phải đảm bảo ít nhất ba vấn đề sau: tiêu chuẩn hóa, sức khỏe và môi trường. Điều này đồng nghĩa với việc phải xây dựng được một thương hiệu uy tín và chất lượng.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ vững mạnh nếu xây dựng được chiến lược thương hiệu thành công; trong đó, “khác biệt hoá” đóng vai trò chủ chốt và có ảnh hưởng rất sâu sắc tới vị trí của sản phẩm trong tâm trí những khách hàng tiềm năng cũng như hiện tại. Cùng, với đó việc tạo ra sự khác biệt đồng nghĩa với việc làm thoả mãn nhu cầu của khách hàng và đây cũng là chìa khóa giúp doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thành công thương hiệu của chính mình.