Cơ hội rộng mở cho xuất khẩu
Ông Hoài cho hay: “Nhập khẩu gỗ vào thị trường Mỹ có tiềm năng lớn nhưng đó vẫn là bức tranh màu hồng, chúng ta không nên lạc quan và vui mừng trước. Mỹ từng áp thuế chống phá giá vào hàng gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc bởi vậy rất nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ của nước này đã dịch chuyển sang Việt Nam. Còn chúng ta xuất khẩu nhiều gỗ sang thị trường Mỹ chính là dồn hết trứng sang một giỏ, kể cả khi TPP được thông qua tạo cơ hội tăng khả năng xuất khẩu gỗ nhưng có thể có một ngày nào đó, Mỹ sẽ áp dụng thuế chống phá giá lên mặt hàng gỗ, như vậy ngành công nghiệp gỗ của chúng ta sẽ bị nặng hơn cả ngành cá tra, ngành hàng dệt may rất nhiều. “.
Hiện nay, Mỹ là thị trường quan trọng trên phương diện xuất nhập khẩu gỗ của Việt Nam. Cán cân thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và Mỹ đang nghiêng về phía có lợi cho Việt Nam, với giá trị xuất khẩu vào thị trường này cao gấp khoảng 10 lần so với giá trị nhập khẩu.
Hàng năm, lượng gỗ nguyên liệu từ thị trường này vào Việt Nam lên tới gần 700.000 m3 gỗ quy tròn, chiếm 20% tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Mỹ là nguồn cung gỗ nguyên liệu lớn và an toàn nhất về mặt pháp lý cho Việt Nam.
Giá trị xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào thị trường này tiếp tục được mở rộng, bình quân 10 đến 15 %/năm. Trong đó, các mặt hàng nhóm sản phẩm HS 94 chiếm 95%. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao bao gồm các loại ghế, nội thất văn phòng, nội thất nhà bếp và nội thất phòng ngủ.
7 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất sang Mỹ 153 m3 gỗ xẻ, trị giá 66.400 USD; 1.700 m3 ván sàn, 14m3 gỗ gụ, trị giá 10.000 USD. Bên cạnh đó, còn có khoảng 14 loài khác nhau được sử dụng để tạo ván ghép, đồ xây dựng, 10 đến 12 loài được sử dụng để làm các sản phẩm giá đỡ được xuất khẩu vào thị trường này.
Báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cho biết, Nhật Bản là thị trường lớn thứ 2 đối với gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. 8 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 644 triệu USD, giảm 2% so với cùng kì. Các mặt hàng xuất chủ yếu là các mặt hàng như dăm gỗ, nội thất văn phòng, nội thất phòng ngủ, các loại ghế và đồ gỗ khác.
Hiệp hội cũng cho biết, Nhật Bản sẽ đăng cai Thế vận hội Tokyo vào năm 2020 trong đó có cam kết sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và bên vững trong các cơ sở hạ tầng. Điều này sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho ngành chế biến gỗ Việt Nam trong việc mở rộng thị trường này trong tương lại.
Theo đánh giá của ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends cho hay, Hàn Quốc là một trong những thị trường quan trọng nhất của Việt Nam trong việc tiêu thụ các sản phẩm gỗ và đồ gỗ. Hàng năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam, bình quân tăng 30%. Điều này cho thấy thị trường Hàn Quốc ngày càng quan trọng đối với các mặt hàng gỗ của Việt Nam.