Những năm gần đây, trái cây xuất khẩu của Việt Nam liên tục đánh dấu những mốc kỷ lục mới. Luôn giữ được đà tăng trưởng ấn tượng với con số trên 30%/tháng, trái cây “xuất ngoại” liên tục bội thu, dự báo sẽ xuất khẩu đạt 2,5 – 2,6 tỷ USD.
Với đà tăng trưởng trên, qua 9 tháng năm 2016, lần đầu tiên xuất khẩu rau quả đã vượt kim ngạch xuất khẩu gạo, khẳng định mình trong danh sách những mặt hàng “tỷ đô”. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mặt hàng này còn tiếp tục có sự tăng trưởng tốt trong những năm tới. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, đây là mặt hàng có dư địa phát triển tốt, bởi tốc độ tăng trưởng khá cao. Với sự tăng trưởng này, năm nay giá trị xuất khẩu rau quả sẽ đạt khoảng 2,5 đến 2,6 tỷ USD.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính đến tháng 10, xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt xấp xỉ 2 tỷ USD. Thị trường nhập khẩu mặt hàng này chủ yếu vẫn là Trung Quốc, chiếm trên 70% thị phần. Tuy thị phần không cao, nhưng hàng rau quả Việt Nam sang Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng chiếm trên 10%, đây cũng là những thị trường lớn chỉ đứng sau Trung Quốc. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả, các sản phẩm trái cây đông lạnh xuất khẩu sang châu Âu và Bắc Mỹ đột biến tăng lên do giá trái cây Việt Nam hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó cũng nhờ sự truyền thông mạnh từ các năm trước đã kéo nhiều doanh nghiệp tìm đến Việt Nam.
Tín hiệu vui trong năm nay là Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã đi vào hoạt động, giúp giảm đáng kể chi phí, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu trái cây miền Bắc. Lần đầu tiên xuất khẩu vải thiều sang Australia đã được tiến hành chiếu xạ ngay tại đây. Tiếp nối thành công đó, giữa tháng 9 vừa qua, sau gần 10 năm đàm phán, Australia đã chính thức cấp phép nhập khẩu trái xoài Việt Nam. Đây là loại trái cây thứ hai của Việt Nam được Australia cấp phép nhập khẩu. Tháng 9/2016, cũng đánh dấu một mốc đáng nhớ của ngành rau quả khi 10 tấn nhãn muộn ở Hoài Đức, Quốc Oai (Hà Nội) được xuất khẩu sang Malaysia, mở đường cho hành trình chinh phục các thị trường khác.
Theo Ban chỉ đạo Thị trường nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc khơi thông những thị trường được coi là “VIP” như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada… đã mang lại lợi ích kép vừa giúp nông dân thay đổi tập quán, phương thức sản xuất, vừa tránh cho rau quả Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường như trước kia.
Do xuất khẩu được khơi thông nên thị trường trái cây trong nước cũng có những dấu hiệu khá tích cực. Năm nay, do một số nước như Philippines, Lào, Myanmar, Trung Quốc… khan hiếm chuối trong khi nhu cầu tiêu thụ chuối ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu tăng nên giá chuối được đẩy lên khá cao. “Các nước trong khu vực bị thiên tai, bị tác động bởi biến đổi khí hậu cho nên sản phẩm chuối bị mất mùa. Sản phẩm chuối Việt Nam đã tăng gấp 2 lần”, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinamit cho biết.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn chung, thị trường tiêu thụ lớn trái cây đều khá sôi động, đặc biệt là các mặt hàng chuối, sầu riêng, xoài… Để xuất khẩu rau quả giữ được tăng trưởng tốt và bền vững, ngành rau quả vẫn còn khá nhiều việc phải làm. Hạn chế lớn trong sản xuất rau quả của Việt Nam vẫn là quy mô canh tác còn nhỏ, manh mún, công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa cao. Trong khi đó, rào cản lớn nhất đối với rau quả Việt Nam là những quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Khi Việt Nam hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, lộ trình thuế suất giảm dần là cơ hội cho Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả, tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc các rào cản kỹ thuật tăng lên.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần phải làm tốt vấn đề an toàn thực phẩm, rau quả cần được sản xuất theo những mô hình hợp tác xã kiểu mới. Điều này không chỉ liên kết để sản xuất hàng hóa lớn mà khi hợp tác xã liên kết với siêu thị, doanh nghiệp sẽ hình thành những chuỗi giá trị tiêu thụ rau quả trong nước và xuất khẩu.
Không chỉ đáp ứng tốt yêu cầu về an toàn thực phẩm, xu hướng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang bùng nổ trên thế giới, do đó sản xuất rau quả hữu cơ hướng tới xuất khẩu cũng đang được nhiều doanh nghiệp chú trọng ngay từ bây giờ thể mở thêm thị trường cho rau quả Việt Nam. Theo các chuyên gia, Việt Nam có thể hướng vào sản xuất hữu cơ các loại trái cây ít sâu bệnh như chuối, thanh long, dứa…; chú trọng hỗ trợ kỹ thuật để phát triển những loại cây mà nông dân Việt Nam còn lạc hậu về kỹ thuật nhưng lại có tiềm năng lớn về thị trường như chanh dây, bơ…
Dù là nước đang nhập khẩu trái cây lớn nhất từ Việt Nam nhưng ông Nguyễn Lâm Viên cũng cho rằng, trong những năm tới, cơ hội xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng bởi mối quan hệ về đường bộ ngày càng dễ dàng hơn. Đây là điều kiện thuận lợi mà hai bên tạo ra cho các doanh nghiệp của nhau trong việc tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng chọn Việt Nam là nơi cung cấp các loại thực phẩm. Hay Singapore cũng thiên về nhập khẩu trái cây Việt Nam hơn làm cho thị trường rau của quả khá lớn.
Với FTA Liên minh kinh tế Á –Âu mới có hiệu hiệu lực gần đây, ông Nguyễn Lâm Viên đánh giá, tương lai phải trông chờ vào công nghệ chế biến rau quả của Việt Nam. Vinamit cũng như nhiều doanh nghiệp đã có sự bùng nổ về công nghiệp chế biến. Nhìn thấy tiềm năng trong xuất khẩu trái cây, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản đã chuyển đổi từ sang trái cây. Các công ty này cũng nhắm đến các thị trường xa như châu Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ… Theo đó ngành công nghiệp chế biến rau quả Việt Nam tương lai sẽ phát triển.
Để tiếp tục duy trì giữ được thị phần, mở rộng xuất khẩu, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, quan trọng là không vi phạm kiểm dịch thực phẩm, cùng với đó là tiếp tục đàm phán, mở rộng thêm trái cây vào các thị trường. Cục cũng chỉ đạo địa phương tổ chức sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức lớp để nông dân thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn; phổ biến quy trình sản xuất VietGAP tới các hộ dân