TP Hồ Chí Minh phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ có 500 nghìn doanh nghiệp (DN) hoạt động bền vững. Để đạt con số này, thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ tối đa cho DN, nhất là những DN vừa, nhỏ và mới thành lập…
Từ bỏ vị trí trưởng phòng của một công ty nước ngoài, chị Kim Ngân (ngụ tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) mạnh dạn thành lập một công ty chuyên sản xuất đồ trang trí nội thất. Ban đầu, do thiếu vốn nên công ty hoạt động cầm chừng, lợi nhuận chỉ đủ chi trả lương cho công nhân. Năm 2015, với quyết tâm mở rộng sản xuất, chị đã mạnh dạn vay vốn từ Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp do UBND thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ. Nhờ lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng của chương trình này không quá 7%/năm, và trung, dài hạn từ 8 đến 10%/năm nên chị yên tâm kinh doanh. Sau một thời gian ngắn, đến nay, công ty của chị đã hoạt động ổn định, các sản phẩm nội thất đã được các dự án nhà ở đặt hàng…
Thực tế, không ít DN nhờ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi đã ngày càng “ăn nên, làm ra”. Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh, chỉ tính đến hết tháng 6-2016, Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã hỗ trợ vốn cho khoảng 3.300 khách hàng với tổng số tiền khoảng 71.500 tỷ đồng. Đạt được kết quả trên là nhờ chương trình đã có sự thay đổi cách thực hiện, tăng cường sự kết nối giữa DN với chính quyền địa phương để thực hiện các gói tín dụng mà các ngân hàng đăng ký và giải ngân theo hợp đồng ký kết. Vốn tín dụng đến DN đã tăng gấp ba lần chỉ tiêu mà thành phố giao.
Mặt khác, với bốn năm kinh nghiệm thực hiện chương trình, các quận, huyện, sở, ban, ngành của thành phố đã phối hợp với nhau tốt hơn, nhịp nhàng hơn trong việc hỗ trợ DN về trình tự, thủ tục vay vốn cũng như thúc đẩy tiến độ giải ngân. Chương trình còn định hướng kịp thời cho DN về chủ trương, chính sách của Nhà nước; chủ động tích cực giúp DN tìm kiếm và mở rộng thị trường; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Hầu hết các dòng vốn tín dụng của chương trình đều “chảy” vào sản xuất và đúng mục đích, giúp các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả và trả nợ đúng hạn cho ngân hàng.
Từ nay đến cuối năm 2016, chương trình phấn đấu giải ngân cho vay khoảng 250 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp các quận, huyện rà soát cụ thể các DN có nhu cầu nhưng chưa được vay để tư vấn, đưa ra giải pháp để DN tiếp cận được nguồn vốn…
Hiện nay, một trong những rào cản lớn ảnh hưởng tới sự phát triển của DN là thủ tục hành chính. Khảo sát sơ bộ của Trung tâm xúc tiến thương mại TP Hồ Chí Minh cho thấy, hiện có khoảng 7.000 thủ tục phải thông qua, hơn 6.000 giấy phép con, chịu nhiều chi phí không chính thức không thể tính vào giá thành sản phẩm. 65% số DN than phiền còn gặp khó trong giải quyết các thủ tục.
Tại một hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và các DN được tổ chức gần đây, đại diện Hiệp hội Nhựa TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, Hiệp hội đã nỗ lực kết nối DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong chương trình hỗ trợ lãi suất kích cầu vốn, phát triển công nghiệp hỗ trợ… nhưng không hiệu quả do thông tin hạn chế, thủ tục phức tạp… Cải cách thủ tục hành chính cần được ưu tiên hàng đầu, vì luật hiện hành có rất nhiều quy định phức tạp đối với DN vừa và nhỏ. DN vừa và nhỏ cần có bộ hồ sơ về kế toán đơn giản hơn để thuận lợi hơn khi tham gia đấu thầu các dự án đầu tư, vay vốn ở các tổ chức tín dụng…
UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ các DN với bốn nội dung chính, trong đó xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Thống kê sơ bộ từ đầu năm 2015 đến nay, thành phố đã ban hành 17 quyết định, công bố 608 thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện. Đơn cử, ngành thuế thành phố có mức độ hiện đại hóa khá nhanh, mọi hoạt động giao tiếp đều thông qua điện tử. Hiệu quả khá rõ: Từ 531 giờ thông quan nay giảm còn 117 giờ; nộp thuế và đăng ký điện tử đạt 99%.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định, thành phố xác định phục vụ dân và DN ngày càng tốt, và cải cách hành chính là việc làm cụ thể để phục vụ mục tiêu đó. Thành phố cũng liên tục rà soát cải cách thủ tục hành chính, mục tiêu đến năm 2020, thực hiện tất cả dịch vụ công cấp độ 4, đồng thời liên thông điện tử 100%.
Để đến năm 2020 có 500 nghìn DN hoạt động ổn định, chất lượng, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các ngành hỗ trợ DN cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; sẽ kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân, cơ quan, đơn vị tùy tiện ban hành những thủ tục gây phiền hà cho DN, người dân…