Tại Hội thảo với chủ đề hài hòa hóa pháp luật thương mại và triển vọng trong khu vực ASEAN vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) – cho biết, Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của Liên hợp quốc (CISG) sẽ chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 1/1/2017.
Công ước là một trong những công ước quốc tế đa phương về thương mại được phổ biến và áp dụng rộng rãi nhất, với hơn 80 quốc gia thành viên. Hiện nay, hầu hết các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều là thành viên của Công ước này. Việt Nam đã gia nhập CISG vào cuối tháng 12/2015.
Đáng chú ý, Việt Nam là nước thứ hai trong khối ASEAN tham gia Công ước sau Singapore. “Công ước này có hiệu lực tại Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và đã đem lại những lợi ích đáng kể cho Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, gồm cả lợi ích kinh tế và lợi ích pháp lý” – ông Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định.
TS. Nguyễn Thị Thu Trang – Trung tâm Hội nhập và WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) – phân tích, lợi ích từ việc tham gia Công ước CISG có thể nhận thấy rõ do Việt Nam là nền kinh tế đang hướng tới xuất khẩu. Hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra khá nhộn nhịp và các hợp đồng về mua bán hàng hóa quốc tế chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số hợp đồng nói chung.
Khi Công ước CISG có hiệu lực, lợi ích điển hình đối với doanh nghiệp là sẽ tiết kiệm được các chi phí trong đàm phán hợp đồng. Hiện nay, trong quá trình đàm phán, 52% hợp đồng có đàm phán về việc sẽ áp dụng luật nào, thì riêng việc chọn luật, doanh nghiệp mất khoảng 2 giờ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mất khá nhiều thời gian để đàm phán chi tiết về thực hiện hợp đồng, cũng như từng điều khoản trong riêng rẽ… “Việc áp dụng CISG sẽ giúp doanh nghiệp, trong nhiều trường hợp, thậm chí không cần đàm phán bởi đã có điều khoản để doanh nghiệp sử dụng chung, thống nhất” – TS. Trang nói. Lợi ích sẽ càng được củng cố thêm khi mà hầu hết các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều là thành viên của Công ước này.
CISG được áp dụng tự động trong trường hợp hai bên doanh nghiệp đối tác đến từ các nước thành viên Công ước.