Theo Bộ Tài chính cho biết đã có hơn 10 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xuất khẩu và Luật Nhập Khẩu.
Ngày 5/10, tại buổi họp báo về hướng dẫn thực hiện Luật thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu số 107/2016/QH13 do Bộ Tài chính tổ chức, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, cho biết Luật được áp dụng từ 1/9/2016 và đã có hơn 10 văn bản hướng dẫn thi hành Luật được ban hành. Với số lượng các văn bản hướng dẫn này việc áp dụng Luật vào thực tiễn gặp nhiều khó khăn.
Luật thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu gồm 22 Điều, được bố cục thành 5 Chương. Trong đó, những nội dung sửa đổi gồm bổ sung nhằm đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; góp phần thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đồng thời bổ sung để khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước phù hợp định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, thống nhất với văn bản pháp luật liên quan.
Luật sửa đổi cũng khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế Xuất Nhập khẩu hiện hành và sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Những ưu điểm của Luật thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu số 107 và Nghị định 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật là quy định mới về miễn thuế hàng hóa có trị giá tối thiểu; chuyển hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập để sản xuất hàng xuất khẩu từ đối tượng phải nộp thuế khi nhập khẩu được hoàn thuế, khi xuất khẩu sang đối tượng miễn thuế để khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu.
Chuyển hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất từ đối tượng chịu thuế ở nhập khẩu và thực hiện hoàn thuế khi xuất khẩu sang đối tượng miễn thuế có điều kiện về bảo lãnh, đặt cọc phù hợp với thông lệ quốc tế… Đây đều là những quy định cải cách thủ tục, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, khuyến khích sản xuất xuất khẩu.